Tại Sao Cần Phải Nhổ Răng Khôn?

nho-rang-khonRăng khôn ( răng số 8 hay răng cối lớn thứ 3 ) là răng mọc cuối cùng, thông thường răng khôn mọc trong giai đoạn 15-25 tuổi, một số ít người sau 30 tuổi. Đây là răng gây nhiều tranh cãi bởi vì chức năng của nó không rõ ràng nhưng những phiền toái mà nó mang lại là rất nhiều. Đa số răng khôn đều mọc lệch vì xương hàm chỉ đủ chỗ cho 28 cái răng ( mỗi hàm có 14 răng ) vì vậy do không đủ chỗ để mọc lên theo hướng bình thường, răng khôn tự tìm cho mình một con đường khác để mọc,

 

ví dụ như mọc ngược về phía sau xương hàm hoặc đâm thẳng về phía răng cối lớn thứ hai ở bên cạnh....Răng khôn gây ra những vấn đề sau:

1. Răng chen chúc:

  • Răng khôn là một trong những nguyên nhân gây răng chen chúc vì răng khôn thường mọc lệch ( do thiếu chỗ trên xương hàm ) và đẩy các răng về phía trước.

2. Sâu răng:

  • Do răng khôn ở tận trong cùng của hàm răng nên rất khó để vệ sinh, thức ăn và vi khuẩn dễ dàng tích tụ, đặc biệt là ở những răng chỉ mọc lên được một phần hoặc mọc lệch, đâm vào răng bên cạnh. Sự tích tụ này lâu ngày sẽ gây ra sâu răng. Nếu để lâu không chữa thì sẽ rất đau và nhiễm trùng có thể xảy ra.

3. Viêm nướu:

  • Sự tích tụ của thức ăn và vi khuẩn ở răng khôn còn gây ra viêm nhiễm vùng nướu xung quanh. Đây là nguyên nhân dẫn đến triệu chứng sưng, đau, hôi miệng và đôi khi cứng khít hàm (bệnh nhân không thể mở miệng to được). Bệnh viêm nướu này sẽ tái phát nhiều lần chừng nào mà răng khôn còn chưa được chữa trị, và càng ở những lần tái phát sau thì mức độ nguy hiểm càng cao.

4. Huỷ hoại xương và răng xung quanh

  • Khi răng khôn mọc đâm sang răng bên cạnh, nó sẽ làm răng đó bị tiêu huỷ, lung lay, nhiều khi gây sâu răng, và cuối cùng là rụng răng. Triệu chứng sớm của việc mọc lệch này là những cơn đau âm ỉ ở khu vực đó.

Trong một số truờng hợp hiếm khi những bất thường của răng khôn không được chữa trị kịp thời, nhiễm trùng lây lan sang các khu vực xung quanh như mang tai, má, mắt, cổ ... gây nguy hiểm đến sức khỏe toàn thân thậm chí cả tính mạng.